Các nghi thức tang ma được quy định rất nghiêm ngặt: từ trang phục của người chết, con cháu, anh em, họ hàng… cho đến việc xem ngày giờ nhập quan, cách bầy trí các đồ cúng lễ, áo quan; các nghi lễ, nghi thức: đưa ma, quạt ma, lễ nhạc, đặc biệt là những đêm mo.
Người Mường ở Hoà Bình với nghi lễ tang ma của họ có đặc điểm chung là những đêm mo. Một lễ tang có thể kéo dài từ một đêm, hai đêm, hoặc mười đêm, mười hai đêm hoặc lâu hơn nữa. Điều này phụ thuộc vào tuổi tác và địa vị xã hội làng, bản của người chết.
Trước năm 1954 người xứ Mường Hoà Bình có tục làm ma khô. Với người giàu việc lưu giữ xác chết trong nhà để bày tỏ sự giàu có, vì phong tục đó đòi hỏi những nghi lễ tốn kém trong suốt thời gian lưu quan tài ở trong nhà. Ngược lại với người nghèo đó là dấu hiệu tủi nhục, vì việc chôn cất người chết chỉ được thực hiện sau khi đã làm đủ các nghi lễ rất tốn kém theo hủ tục cổ truyền.
Vị trí của bố mo- thầy mo đóng vai trò bắt buộc và quyết định trong toàn bộ nghi thức tang ma của người Mường. Trong suốt các nghi thức tang ma thầy mo chỉ làm một việc: thuyết phục và hướng dẫn, hai hành động đi đôi với nhau nhiều khi xen lẫn trước sau, cũng có lúc phải hoà vào nhau thành một qua trình đồng nhất.
Bởi người thầy mo ở đây phải có nghĩa vụ làm cho người chết hiểu được quy luật tự nhiên của sự sống và cái chết, mà người đã chết thì phải tách khỏi thế giới của người sống. Để sau đó hồn mới có thể sẵn sàng đi tiếp hành trình, chuyến đi cuối cùng đến với thế giới dành riêng cho họ.
Hai chức năng thuyết phục và hướng dẫn đó, của các đêm mo được người hành lễ thực hiện một nghi lễ lễ thức duy nhất: ngồi xếp bằng tròn từ đầu hôm đến mờ sáng, mồm ngân tang ca hầu như không dứt, đấu đội mũ lễ, trên thân là áo lễ, hai tay cầm chuông lễ và dao lễ, và cuối cùng là túi đựng Khot( Khót- đựng một số vật thiêng do các bố mo được truyền lại, hoặc được Thánh Sư của bố mo báo mộng qua giấc mơ)- chứa đựng siêu lực của bố mo. Đây là những vật thiêng không thể thiếu trong quá trình hành lễ của người làm mo.
Các bố mo là những người có khả năng giao cảm mang sợi dây kết nối giữa Mường đất- Mường người- Mường trời, họ được giao trọng trách là “ sứ giả” của các Mường, nên những khả năng của họ cũng được thần thánh ban cho, thần thánh lựa chọn… và họ phải sử dụng khả năng đó của mình để phục vụ cho lợi ích chung cao nhất- lợi ích cộng đồng dân tộc Mường.
Tiếng Mường hòn mồ( đá dùng cắm xung quanh mộ) là kèn mồ. Hòn mồ là một dấu hiệu, ranh giới, phân biệt Mường ma với Mường người. Do vậy các hòn mồ được dựng lên không chỉ với ý nghĩa đơn thuần là đánh dấu mộ mà còn ẩn chứa những quan niệm về tâm linh của người Mường ở trong đó. Hòn mồ là vật để đưa linh hồn người chết lên trời, nó cũng có thể là biểu hiện còn lại của linh hồn người chết được gửi gắm vào trong đá.
Tại một số vùng Mường, số lượng hòn mồ nhiều hay ít, nó phụ thuộc vào thân phận, địa vị xã hội, dòng họ, đàn ông hay đàn bà, có vợ có chồng hay còn đơn chiếc, số lượng hồn và vía lúc sinh thời… của người chết. Nhưng cũng có nơi số lượng hòn mồ phụ thuôc vào đêm mo, nếu mo một đem cắm hai hòn, mo ba đêm cắm năm đến bảy hòn, mo càng nhiều đêm hòn mồ càng được cắm nhiều.
Ngoài hòn mồ bên trên các mộ Mường còn có một kiến trúc khác, đó là nhà mồ. Nhà mồ thường được làm ngay sau đêm chôn cất người quá cố. nhà mồ của người Mường không cầu kỳ như một vào dân tộc khác, và dường như chỉ dựng lên để gọi là có, còn sau đó mặc cho thời gian mưa gió chẳng bao giờ đoái hoài đến nữa. Trong suốt thời gian từ sáu đến chín tháng, gia đình có người mất cử người mang thức ăn, đố uống tới để người chết lên ăn.
Hay
Trả lờiXóa